KHÁI NIỆM NIẾT BÀN TRONG PHẬT GIÁO
Niết bàn là khái niệm thể hiện triết lý về giải thoát trong Phật giáo. Đây là một trạng thái tâm linh hoàn toàn thanh thản, giải thoát khỏi mọi đau khổ của cuộc đời. Trạng thái này có thể đạt được khi còn
đang sống gọi là Hữu dư Niết bàn hoặc khi đã chết Vô dư Niết bàn.
1./ KHÁI NIỆM NIẾT BÀN LÀ GÌ?
1./ KHÁI NIỆM NIẾT BÀN LÀ GÌ?
- Niết bàn theo tiếng Sanscrit là Nirvana, tiếng Pali là Nibhana; 涅槃 là tiếng Phạn.
- Nir: dịch là ra khỏi, ly khai, xa lìa, đào thải;
- Vana: dịch là rừng rậm, con đường vòng vèo, quanh quẩn.
- Nirvana: dịch là giải thoát con đường quanh quẩn, vòng sinh tử luân hồi, là xa lìa rừng rậm hay đào thải những phiền tạp của đời sống.
Niết bàn có thể được hiểu là: ngọn lửa tham lam, sân hận, ngu si đã bị dập tắt, là sự đoạn trừ dục vọng, dứt nghiệp báo luân hồi, thanh tịnh tuyệt đối. Đó là sự ngưng đọng vĩnh cửu của
không thời gian trong cõi tâm linh sâu thẳm của con người.
II./ QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO VỀ NIẾT BÀN:
Niết bàn là mục đích tu hành cứu cánh của mọi trường phái Phật giáo. Trong đạo Phật nguyên thủy, Niết-bàn được xem là đoạn triệt Luân hồi ( 輪回). Đó là sự tận diệt gốc rễ của ba nghiệp bất thiện ( 不善) là tham, sân và si. Niết bàn trong Phật giáo là một trạng thái tâm linh hoàn toàn thanh thản, yên tĩnh, sáng suốt, không vọng động, diệt ái dục, xoá bỏ vô minh, chấm dứt mọi khổ đau, phiền não, là sự an lạc, là sự giải thoát khỏi cái Khổ, là giải thoát khỏi phiền não.
Hữu dư niết bàn (有餘涅槃): Niết bàn còn sắc thân, Niết bàn trước khi tịch diệt. Niết bàn này là trạng thái của các bậc thánh nhân đã dứt bỏ mọi Phiền não. Các vị này còn sống trên đời nên vẫn còn Ngũ uẩn, còn có nhân trạng nên gọi "hữu dư".
Trong Hữu dư niết bàn hành giả còn khổ vì còn chịu nghiệp cũ. Từ quan điểm Hữu dư Niết bàn này của Phật giáo Bộ phái mà phát sinh khái niệm Niết bàn vô trụ của Đại thừa.
Vô dư niết bàn (無餘涅槃) là Niết bàn không còn sắc thân, mười hai xứ, mười tám giới và các Căn. Niết bàn vô dư đến với một vị A-la-hán sau khi thân hoại mạng chung, không còn tái sinh. Loại Niết bàn này cũng được gọi là Bát-niết-bàn (般涅槃).
Triết học Phật giáo không thừa nhận có linh hồn bất tử, thế nên cũng không cần có một không gian địa lý cho linh hồn cư ngụ. Đích của giải thoát trong Phật giáo không phải là lên Thiên đường, trở về với Chúa mà
là sự tận diệt những ham muốn dục vọng với sự u tối của kiếp người để đạt tới Niết bàn.
Trong
Ngũ bộ kinh, có tới 32 từ có nghĩa tương đương với Niết bàn như: “đáo bỉ ngạn” (bờ bên kia), “đích cao cả”, “hoàn thành”, “chân lý”, “đăng minh”, “an lạc”, “giải thoát”... Đặc biệt, trong Kinh Niết bàn, khái niệm này đã được đề cập bằng ngôn ngữ phủ định: “vô sinh”, “khổ diệt”, “vô
minh diệt”, “ái diệt”, “vô uý”, “vô tác”, “vô ám”, “vô ngại”, “vô xuất”...
Trong
giáo lý Phật đã sử dụng sự đối lập Niết bàn với thế giới thực tại. Nếu thế giới thực tại là khổ thì Niết bàn là “khổ diệt”, nếu thế giới thực tại là “bờ bên này (bỉ ngạn) thì Niết bàn là “bờ bên kia” (đáo bỉ ngạn), thế giới thực tại là mê lầm, không sáng suốt (“vô minh”) thì Niết bàn là sáng suốt (“vô minh diệt”)...
Phật giáo có 2 hình thức cơ bản của Niết Bàn: Hữu dư Niết bàn và Vô dư Niết bàn:
Hữu dư Niết bàn là Niết bàn tương đối, Niết bàn tại thế: nghĩa là, Niết bàn đạt được khi thể xác vẫn còn tồn tại nhưng tâm đã thoát khỏi vòng luân hồi bất tận. Người đó tuy còn sống nhưng mọi phiền não đã được diệt, ba nọc độc tham - sân - si đã tiêu trừ. Phật Thích Ca Mâu Ni cũng đạt tới Hữu dư Niết bàn khi ông 35 tuổi, sau 49 ngày ngồi dưới gốc cây bồ đề để chiêm
nghiệm về chân lý.
Vô dư Niết bàn là Niết bàn tuyệt đối, Niết bàn xuất thế hay còn gọi là Đại Niết bàn. Đó là trạng thái đã chứng được La Hán, hết sạch các phiền não, phạm hạnh đã được thành lập, việc cần làm đã làm đủ, đã vứt bỏ mọi gánh nặng, đã chứng tự nghĩa, đã
khéo giải thoát, đã được biết khắp, không còn mong cầu, hy vọng cũng hết, rốt ráo tịch lặng, vĩnh viễn trong mát, ẩn lặng không hiện. Vô dư Niết bàn chỉ đạt được khi đã
chấm dứt sự tồn tại của thân xác.
Xét về mặt bản chất, Hữu dư Niết bàn và Vô dư Niết bàn đều chỉ về trạng thái
tâm linh thanh tịnh tuyệt đối, tự do tự tại của con người. Điểm khác biệt là ở chỗ, Niết bàn đó đạt được khi thân thể còn sống hay đã chết.
III./ KHÁI NIỆM NIẾT BÀN TRONG PHẬT GIÁO TIỂU THỪA VÀ PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA:
Sau thời Phật giáo nguyên thuỷ tức từ khi Phật tại thế tới 100 năm sau khi ông mất, Phật giáo dần dần chia thành hai nhánh: Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa. Hai nhánh này có quan niệm không giống nhau về Niết bàn.
1./ Phật giáo tiểu thừa cho rằng, thế giới này tồn tại thực sự, con người cũng tồn tại thực sự nên những khổ đau của con người cũng là có thật chứ không phải chỉ là những gì thuộc về cảm giác. Từ đó, họ đi tới kết luận, chỉ có thể giải thoát khỏi khổ đau bằng con đường lánh đời, thoát tục, xuất gia tu hành, lấy “diệt tận là cứu cánh” với phương châm diệt (diệt mọi phiền não), tận (chấm dứt mọi nghiệp sinh tử), ly (giải thoát khỏi nỗi khổ trong ba cõi), diệu (đạt tới Vô dư Niết bàn).
Niết bàn mà Tiểu thừa hướng tới là Niết bàn xuất thế, lánh đời, đạt được bằng lối tu kham nhẫn. Với Tiểu thừa, vì vô ngã là Niết bàn nên muốn đến được Niết bàn, con người phải từ bỏ những thú vui
trần thế, những yêu thương và khao khát “trở thành”. Không còn những sôi động, buồn vui nơi nhân thế, Niết bàn chỉ là sự tịch diệt, cô đơn, vắng lặng, cô đơn, buồn tẻ và vô cảm. Lý tưởng Niết bàn Vô dư tịch tĩnh đã khiến Phật giáo mất dần sức hấp dẫn, khó thực hiện với mọi người, chỉ dành cho thiểu số người có cơ duyên đặc biệt.
2./ Phật giáo Đại thừa thực chất là một phong trào chấn hưng Phật giáo, xuất phát từ nhu cầu khắc phục những hạn chế trong Tiểu thừa, mong tìm lại chỗ đứng trong xã hội. Đại thừa nghiêng về phía Hữu dư Niết bàn với một cái nhìn mới mẻ, độc đáo hơn.
Đối với Đại thừa, Niết bàn và luân hồi không có gì sai khác, giải thoát không cần sự chối bỏ cuộc sống mà chỉ cần “xuất tự thế gian tướng” để đạt tới trạng thái không còn phân biệt bờ bên này - sinh tử và bờ bên kia - giải thoát, không còn phân biệt chúng sinh và Phật, mê và ngộ.
Trong
đại thừa, bổ sung thêm hai loại niết bàn nữa, là tự tính thanh tịnh niết bàn và bất trụ niết bàn:
- Tự tính thanh tịnh Niết bàn
chính là bản tính
thanh tịnh vốn có ở cái tâm của mỗi người mà khi đạt tới đó, con người được giải thoát.
- Bất trụ Niết bàn là khái niệm nói về trạng thái của những con người sống ngay trong thế giới hiện thực, tồn tại trong luân hồi nhưng vẫn tự do tự tại, làm chủ bản thân
mình; đồng thời, tích cực hoạt động cứu giúp những người khác cùng được giải thoát như mình. Họ sống giữa cõi đời với cái tâm “vô sở đắc” (tâm không cầu được) với khát vọng giúp cho mọi người cùng được giải thoát khỏi khổ đau như mình.
Cuộc đời của Phật Thích Ca là cuộc đời của một con người “Bất trụ Niết bàn” vì ông đã đạt tới Hữu dư Niết bàn từ năm 35 tuổi nhưng không dừng lại mà quay về với cuộc sống trần tục, tích cực hoạt động truyền giáo trong 45 năm cho lý tưởng cứu độ chúng sinh. 45 năm đó là 45 năm Bất trụ Niết bàn của người đã đặt chân tới Niết bàn nhưng không một phút ở yên trong Niết bàn tịch tĩnh.
Tóm lại khái niệm Niết bàn trong Phật giáo là một cuộc cách mạng trong lịch sử tư tưởng Ấn Độ, đem lại một diện mạo mới với sức sống mới cho Phật giáo. Con người sống cùng những buồn vui nhân thế của Đại thừa, khái niệm Niết bàn đã trở nên hấp dẫn hơn, thể hiện một triết lý sống nhân bản của tôn giáo triết học Phật giáo.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét